#070 | Áp dụng tương tự pháp luật  

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty nước ngoài (Nguyên đơn) và Công ty Việt Nam (Bị đơn) ký hợp đồng hợp tác để triển khai một dự án. Công ty nước ngoài chuyển tiền cọc; phía công ty Việt Nam sử dụng tiền cọc và thực hiện một số công việc nêu trong thỏa thuận. Cuối cùng, dự án không diễn ra như mong muốn và hai bên chấm dứt hợp tác. Về hệ quả, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng chia sẻ tổn thất mà hai bên phải gánh chịu khi đầu tư vào dự án. Ở đây, phía công ty Việt Nam đã đưa ra các số liệu về tổn thất mà họ đã có và, để xác định tổn thất của công ty nước ngoài, Hội đồng Trọng tài đã phải “áp dụng tương tự pháp luật”.

Bài học kinh nghiệm:

Trong quan hệ dân sự nói chung và trong quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau, việc một vấn đề phát sinh giữa các bên chưa có điều luật để áp dụng và chưa được dự báo trong hợp đồng khá phổ biến và vụ việc trên là một ví dụ. Ở đây, không có điều luật nào quy định cụ thể về xác định tổn thất giữa các bên trong hoàn cảnh nêu trên và hợp đồng giữa các bên cũng không có điều khoản nào dự báo về chủ đề này. Từ đó, chúng ta phải tìm hướng xử lý và một trong các công cụ để xử lý là “áp dụng tương tự pháp luật” được ghi nhận trong Bộ luật dân sự (được áp dụng cho cả quan hệ kinh doanh thương mại như cho vụ việc nêu trên).

Theo khoản 1 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 (kế thừa từ Bộ luật dân sự trước đây), “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”. Để hướng dẫn Tòa án vận dụng cơ chế này trong tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”. Quy định vừa nêu áp dụng cho tố tụng tại Tòa án, không có giá trị bắt buộc đối với tố tụng tại Trọng tài nhưng mang tính gợi mở cho việc áp dụng tương tự pháp luật và, thực tế trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài đã vận dụng cơ chế đó như chúng ta thấy ở phần dưới.

Ở đây, theo Hội đồng Trọng tài, “Bị đơn đã đầu tư vào việc thực hiện những công việc nêu trong hợp đồng nguyên tắc nhưng nay hợp đồng nguyên tắc không còn tiếp tục nữa, hợp đồng thuê lại tài sản mà Nguyên đơn và Bị đơn mong muốn không diễn ra như dự kiến. Do đó, Bị đơn có tổn thất khi hợp đồng nguyên tắc không được duy trì, hợp đồng thuê lại tài sản không diễn ra như mong muốn. Nói cách khác, Bị đơn đầu tư vào việc thực hiện các công việc nêu trong hợp đồng nguyên tắc để tiến hành ký hợp đồng cho thuê lại tài sản với Nguyên đơn nhưng hợp đồng cho thuê lại này không thể xảy ra nên Bị đơn có tổn thất”. Đối với Nguyên đơn, Hội đồng Trọng tài xác định “Nguyên đơn cũng đầu tư vào việc thực hiện công việc nêu trong hợp đồng nguyên tắc bằng cách chuyển cho Bị đơn một khoản tiền là tiền đặt cọc, để cho Bị đơn sử dụng khoản tiền đặt cọc mà Bị đơn không phải trả lãi cho Nguyên đơn nên đây cũng là tổn hại của Nguyên đơn khi chấm dứt hợp đồng”.

Về mức tổn thất của Nguyên đơn, Hội đồng trọng tài theo hướng “Nguyên đơn chuyển tiền cọc cho Bị đơn sử dụng mà Bị đơn không phải trả lãi cho Nguyên đơn và nay việc thuê lại mặt bằng không thể diễn ra như mong muốn của các Bên nên đây cũng là tổn thất đối với Nguyên đơn (do Nguyên đơn chuyển tiền cọc cho Bị đơn nên Nguyên đơn đã mất khả năng khai thác, sử dụng khoản tiền đã chuyển và đó chính là tổn thất của Nguyên đơn)". Trong pháp luật Việt Nam, tổn thất phát sinh từ việc mất khả năng khai thác một khoản tiền được tính theo lãi chậm trả. Chẳng hạn, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, đối với “các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước” thì thiệt hại là “khoản lãi” và “Trường hợp các khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật dân sự” (khoản 4 Điều 23). Áp dụng tương tự quy định của pháp luật được quy định tại Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên, ở đây Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn 12.666.780.000 VND từ năm 2016 đến nay là khoảng 2 năm nên khoản tổn thất của Nguyên đơn xuất phát từ việc chuyển tiền cọc cho Bị đơn ước tính là tiền lãi tương ứng với thời gian 02 năm của khoản tiền cọc Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn: 2 năm x 10%/năm (mức lãi khi không có thỏa thuận theo Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015) x 12.666.780.000 VND = 2.533.356.000 VND”.

Ở đây, quy định đã tồn tại trong văn bản là quy định trong pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước điều chỉnh khoản tiền của người dân nộp vào ngân sách nhà nước (người dân không sử dụng được tiền này và thông thường Nhà nước khai thác khoản tiền này phục vụ cho công việc của mình). Còn hoàn cảnh mà chúng ta đang xem xét là việc một bên giao tiền cho bên kia nên bên giao tiền không có khả năng khai thác khoản tiền của mình nữa và bên nhận tiền khai thác khoản tiền này phục vụ công việc của họ. Hoàn cảnh vừa nêu trong vụ việc được nghiên cứu (chưa có quy định cụ thể để áp dụng và chưa được các bên thỏa thuận hướng giải quyết) có tính chất tương tự với hoàn cảnh được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu trên quy định nên việc Hội đồng Trọng tài áp dụng tương tự pháp luật là phù hợp với quy định.

Đối với doanh nghiệp, tốt hơn hết là doanh nghiệp cùng đối tác dự báo hết các vấn đề có thể xảy ra trong hợp đồng và đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho các vấn đề đó trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu đã có một hợp đồng và một vấn đề chưa có điều luật áp dụng và hợp đồng chưa dự báo như chúng ta thấy trong vụ việc nêu trên, “áp dụng tương tự pháp luật” là công cụ hiệu quả để giải quyết bất đồng giữa các bên. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải biết được có quy định điều chỉnh hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh mà doanh nghiệp đang gặp phải và, để có được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư về kiến thức pháp lý thì mới có thể khai thác hiệu quả cơ chế “áp dụng tương tự pháp luật”.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI